Theo Y học cổ truyền, món ăn cũng có thể làm thuốc. Cây rau vừa là thực phẩm vừa có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Vì kết hợp giữa thức ăn và thuốc nên được gọi là Dược thiện.
Dược thiện thiên về dưỡng sinh, phục hồi, dùng thực phẩm làm chủ, lượng thuốc thường nhỏ, tác dụng chậm, tác dụng phụ cũng ít hơn, nên có thể dùng dài ngày. Dược thiện chính là những sản phẩm ẩm thực mang tính chất trị liệu. Dược thiện chính là tinh hoa của Đông y dùng thực phẩm làm chủ thể, phối cùng với những dược liệu có các tác dụng khác nhau, qua chế biến, đun nấu mà thành. Dược thiện có vị ngon của món ăn, có tác dụng của thuốc, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, vừa có thể trị bệnh. Người ăn dược thiện vừa được hưởng thụ cảm giác ngon miệng của ẩm thực, và trong sự hưởng thụ đó, sức khỏe được cải thiện, bệnh tật được chữa lành.
Hậu Covid -19 gây ra hàng loạt các triệu chứng cơ thể trong thời gian dài, các triệu chứng này có thể được cải thiện khi sử dụng một số món ăn, một số loại thực phẩm., do đó tùy theo thể trạng và tình trạng bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, có thể lựa chọn hoặc phối hợp các loại thực phẩm sau đây:
(1) Còn ớn lạnh sợ lạnh, hay lạnh bụng, đau dạ dày khi ăn đồ sống lạnh (vị hàn), dễ tiêu chảy, sôi lạnh bụng: Gừng, Hành, Canh cải xanh nấu gừng, rau ngò (rau mùi)…
(2) Miệng khô, họng khô, khát nước, nóng bứt rứt: Trà xanh, Đậu đỏ, đậu xanh, Khế , Dưa hấu cả phần vỏ trắng (Tây qua Thúy Y), Sương sâm, nước dừa tươi…
(3) Còn ho, khạc đàm: Lê, Bạch quả, Ô mai, Trần bì, Cải thảo, Tía tô…
(4) Ăn uống không ngon miệng, hay chướng bụng: Sơn tra, Đậu ván, Hoài son, Phục linh, Củ cải, Sa nhân…
(5) Mất ngủ: Tâm sen, nhãn lồng, vông nem…
Nguyên tắc chung: chọn thực phẩm đa dạng về chủng loại, cân bằng, chú trọng bù nước, điện giải. Chú trọng bổ Phế, khai vị, an thần, thông đại tiểu tiện.
Lưu ý: Dược thiện mang tính chất phòng ngừa và hồi phục sức khỏe sau bệnh, cần sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng; hạn chế bổ sung Câu kỷ tử trong trường hợp này vì dễ sinh đàm thấp.
Một số món ăn:
Công thức 1: Cháo Hoài sơn, bí xanh, hạt sen
Thành Phần | Liều lượng |
Hoài Sơn | 30g |
Bí Xanh | 20g |
Gừng tươi | 5g |
Hạt sen | 20g |
Ý dĩ (Bo Bo) | 20g |
– Công dụng: Kiện Tỳ thấm thấp, Hòa trung an thần.
– Đặc điểm: Thích hợp cho đại đa số người, đặc biệt những người cơ thể suy nhược, dễ bị cảm, tăng cường sức đề kháng , dự phòng bệnh tật.
– Liều lượng: 1 tuần 2 đến 3 lần.
Công thức 2: Hoàng kỳ Hoài sơn hầm gà
Thành phần | Liều lượng |
Thịt gà | 300 – 500g |
Sinh hoàng kỳ | 30g |
Hoài sơn | 15g |
Gừng tươi | 15g |
– Công dụng: Bổ phế ích khí, Kiện Tỳ dưỡng Vị.
– Đặc điểm: Thích hợp cho đại đa số người, những người dễ bị cảm ho, ăn không tiêu, phục hồi sức khỏe, đặc biệt bổ phế khí cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh vẫn còn cảm giác thở ngắn, khó thở, mệt khi gắng sức.
– Liều lượng: 1 tuần 1 lần.
Công thức 3: Cháo Cát căn hạt sen táo đỏ
Thành phần | Liều lượng |
Cát căn | 30g |
Hạt sen | 15g |
Táo đỏ | 5g |
Gạo trắng | 100g |
– Công dụng: Nhuận phế Kiện Tỳ, Dưỡng Tâm an thần.
– Đặc điểm: Thích hợp cho đại đa số người, đặc biệt khí âm lưỡng hư, sau bệnh hay đổ mồ hôi, người nóng bứt rứt, tức nghẹn. Khó thở, khó ngủ, mệt mỏi.
– Liều lượng: 1 tuần 1 lần.
Công thức 4: Chè Lê Bách hợp
Thành phần | Liều lượng |
Trái Lê | 50g |
Bách hợp | 20g |
Đường phèn | cho vừa đủ |
Cho cả lê và bách hợp vào nồi, thêm nước và đun sôi trên lửa to, sau đó cho đường phèn vào nấu cùng. Sau khi nước chè sôi thì hạ nhỏ lửa xuống, đun thêm nửa tiếng nữa thì tắt bếp
– Công dụng: sinh tân trừ phiền giải khát, tư âm, nhuận phế trị ho, thanh nhiệt tá hóa hóa đàm, an thần.
– Đặc điểm: Dùng cho người hậu Covid thường xuyên mất ngủ hoặc những người hay bị ho khạc, đờm nhiều. Tuy nhiên hạn chế dùngđối với những người ho hàn.
– Liều lượng: Tuần 2 – 3 lần.
Đa số người bệnh đều ngại dùng thuốc, đặc biệt là thuốc Đông y bởi so với những món ăn hằng ngày, thuốc khó chấp nhận hơn rất nhiều. Chính vì thế, ở góc độ tâm lý, dược thiện chính là sự kết hợp hoàn hảo để chiều lòng thiên tính của con người: Thích ăn, sợ thuốc mà vẫn đạt được hiệu quả phòng bệnh, chữa bệnh.